Thực hiện vốn FDI năm 2022

Ngày đăng: 17/07/2023
Năm 2022, tổng vốn đầu tư FDI thực hiện đạt gần 29,3 tỷ USD. có tới 70,3% số dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD, 59,5% số dự án có vốn dưới 500 nghìn USD. Những dự án này chiếm tỷ lệ rất nhỏ về vốn đầu tư, chỉ khoảng 2% tổng vốn đầu tư mới cả nước.

 

Trong năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt gần 29,3 tỷ USD, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư mới và điều chỉnh vốn tuy giảm (giảm 31,3% vốn đăng ký mới và 15,5% vốn tăng thêm), song số lượng dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh mở rộng vốn đều tăng lên so với năm 2021 (tăng 19,3% số dự án mới và 8,8% số lượt dự án điều chỉnh) và có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm.
ĐTNN năm 2022 theo tháng

1. Về cơ cấu vốn theo phương thức đầu tư
Đầu tư mới chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn ĐTNN thu hút được, là phương thức được các nhà ĐTNN lựa chọn nhiều nhất khi tìm hiểu và quyết định đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong tổng số gần 29,3 tỷ USD vốn ĐTNN thu hút được trên cả nước, vốn đầu tư đăng ký mới đạt gần 13 tỷ USD, chiếm 44,3%. Quy mô vốn bình quân mỗi dự án mới năm 2022 đạt gần 6 triệu USD, tuy nhỏ hơn so với năm 2021 (10,4 triệu USD) nhưng vẫn cao hơn so với các năm 2020 và 2019 (tương ứng 4,3 triệu USD và 5,8 triệu).
Tỷ trọng vốn đầu tư điều chỉnh của các dự án hiện hữu có xu hướng tăng lên so với các năm trước (37,1% năm 2022 so với 33,1% năm 2021; 23,5% năm 2020 và 15,3% năm 2019). Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng được cải thiện, tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài niềm tin vững chắc vào sự thành công trong đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong năm 2022 (chiếm 20,1% số dự án mới, 32% số lượt điều chỉnh và 35,6% số lượt GVMCP).
Cơ cấu ĐTNN năm 2022 theo đối tác

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút ĐTNN lớn nhất với trên gần 4,47 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư, giảm 37,8% so với cùng kỳ. ĐTNN tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là đầu tư mở rộng dự án hiện hữu và GVMCP, đầu tư mới tuy thu hút được nhiều dự án song quy mô vốn nhỏ (bình quân 0,75 triệu USD/dự án), chỉ chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư của Thành phố. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng,…
Cơ cấu ĐTNN năm 2022 theo địa phương


nguồn : tin tổng hợp